Blog

KINH DOANH TỬ TẾ: Sức mạnh của “sợi chỉ đỏ”

KINH DOANH TỬ TẾ: Sức mạnh của “sợi chỉ đỏ”

Nguồn: https://enternews.vn/suc-manh-cua-soi-chi-do-193367.html

ENTERNEWS.VN Rất khó đo đếm được chi phí để xây dựng “văn hoá tử tế” trong doanh nghiệp, song nếu thiếu giá trị vô hình từ “sợi chỉ đỏ” văn hoá thì tổn thất hữu hình lại rất rõ…

Nhắc đến kinh doanh tử tế hầu hết mọi người nghĩ đến việc đưa ra những sản phẩm dịch vụ có giá trị đến cộng đồng. Tuy nhiên, theo tôi đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Cái gốc của kinh doanh tử tế là việc doanh nghiệp tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, đạo đức kinh doanh và tạo ra văn hóa doanh nghiệp có những giá trị nhân văn. Khao khát của mỗi tổ chức là nhìn thấy đội ngũ lớn mạnh cùng sự tăng trưởng doanh số. Khao khát của mỗi nhân viên khi đi làm không chỉ là cơ hội được phát triển về mặt chuyên môn, nghiệp vụ mà còn được phát triển về mặt con người”.

Văn hóa – phần “chìm” của tảng băng trôi 

Đào tạo và xây dựng đội ngũ cũng giống như nuôi dưỡng một đứa con tinh thần vậy, muốn đội ngũ giỏi bạn phải tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh để sử dụng chất xám hiệu quả cũng như đầu tư đúng hướng để họ có thể phát triển và cống hiến tốt nhất cho tổ chức, cho xã hội. Những doanh nghiệp có hiệu suất kinh doanh cao thường họ áp dụng lý thuyết quản trị nhân tài dựa trên thế mạnh một cách khá hiệu quả.

Nếu bạn quan sát thị trường lao động, bạn sẽ thấy ở những tập đoàn nước ngoài lớn họ có đội ngũ nhân viên phong cách khá chuyên nghiệp. Những điều này không tư nhiên mà có, các tập đoàn lớn họ rất chủ trọng khâu đào tạo. Người lao động được tham gia những khóa đào tạo nâng cấp kỹ năng liên tục và có cơ hội thực hành những kỹ năng đó trong mội trường doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp kinh doanh tử tế không chỉ ở những sản phẩm có giá trị mà còn mang lại cơ hội để đội ngũ lao động được phát huy năng lực.p/Ảnh: KynghiViet.

Một doanh nghiệp kinh doanh tử tế không chỉ ở những sản phẩm có giá trị mà còn mang lại cơ hội để đội ngũ lao động được phát huy năng lực. Ảnh: KynghiViet.

Hiện tại, ngoài đào tạo truyền thống thì “Coaching” là một trong những công cụ để phát triển hệ thống nhân sự trên thế giới và cả ở Việt Nam. Một nhân viên được làm việc trong văn hoá coaching tốc độ phát triển về tư duy, kỹ năng và độ chủ động nhanh hơn rất nhiều so với nhân viên làm việc trong văn hoá mệnh lệnh áp đặt truyền thống.

Google là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng văn hóa Coaching. Google đã cho phép nhân viên tự do khám phá cách họ muốn làm việc. Chìa khóa cho một nền văn hóa làm việc sáng tạo và thú vị là tập hợp một nhóm người thông minh, khiêm nhường và cho họ không gian để thử nghiệm, và đưa ra ý tưởng. Theo quan điểm của Google, thì: khi các nhân viên hạnh phúc, năng suất sẽ tăng cao hơn và giảm bớt tỉ lệ nghỉ việc dẫn đến tăng lợi nhuận và mang lại thành công lớn hơn.

Khi có cơ hội làm việc với khách hàng doanh nghiệp, ở những doanh nghiệp thành công thì người sếp giỏi không phải là người duy nhất đưa ra ý tưởng mà quan trọng hơn hết là người tạo được môi trường để nuôi dưỡng, ươm mầm các ý tưởng sáng tạo.

Chương trình Khai Vấn Kỹ năng quản lý với hình thức Coach đồng hành của Dragon Asia.

Chương trình Khai Vấn Kỹ năng quản lý với hình thức Coach đồng hành của Dragon Asia.

Nguyên tắc “tấm gương”

Tầm quan trọng của các CEO, Founder trong việc kinh doanh tử tế là điều hiển nhiên. Theo nghiên cứu của tổ chức khai vấn MARSHALL GOLDSMITH, hành vi lãnh đạo quyết định 50-70% văn hoá doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp ảnh hưởng tới 35% kết quả kinh doanh. Điều đó cho thấy năng lực và hành vi của nhà quản lý, trực tiếp quyết định văn hóa và kết quả kinh doanh.

Hãy thử tưởng tượng nếu một nhân viên kinh doanh đi làm trong một môi trường mà “ông chủ” của họ tiếp tay cho việc lừa dối khách hàng, chối bỏ những nghĩa vụ với khách hàng…; thì chắc chắn sau này trong cuộc sống, trong mối quan hệ với đồng nghiệp họ cũng sẽ hành xử như vậy. Điều này sẽ tạo ra văn hóa độc hại cho doanh nghiệp.

Có những giá trị doanh nghiệp, trở thành giá trị sống của nhiều nhân viên. Ví dụ doanh nghiệp luôn đề cao trách nhiệm xã hội thì những nhân viên của họ tôi dám chắc ngay trong cuộc sống cũng thể hiện rất rõ những giá trị này. Nếu doanh nghiệp lấy đạo đức kinh doanh làm gốc thì nhân viên của họ chắc chắn trong công việc cũng như trong cuộc sống luôn luôn giữ vững những chuẩn mực này.

Để đào tạo được những đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, người chủ doanh nghiệp luôn luôn phải nhớ rõ “nguyên tắc tấm gương”. Người chủ sẽ là người tạo văn hóa, giá trị cho doanh nghiệp. Những người nhân viên lâu năm họ sẽ thấm những giá trị này. Một lúc nào đó người chủ soi mình vào từng nhân viên sẽ thấy mình ở trong đó.

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ chân giữ lửa cho người lao động chính và văn hóa tổ chức và tâm, tầm tài của người lãnh đạo. Từ đó người lao động dốc hết sức lực cống hiến mang lại giá trị phục vụ doanh nghiệp và lan tỏa đến cộng đồng.

Google cho phép nhân viên tự do khám phá cách họ muốn làm việc. Ảnh: Peter Wurmli.

Google cho phép nhân viên tự do khám phá cách họ muốn làm việc. Ảnh: Peter Wurmli.

… và những khoản đầu tư “đáng giá”

Kinh doanh tử tế còn không chỉ là việc đối đãi với nhân viên khi họ còn làm cho bạn mà ngay cả khi họ không còn ở đó, không chỉ khi bạn kinh doanh tốt mà ngay cả khi công việc kinh doanh gặp khó khăn. Điều này khó thực hiện hơn cả.

Trước đây tôi tham gia một vài dự án tư vấn nhân sự khi doanh nghiệp tinh giảm hoặc đóng cửa mà hay gọi vui là dịch vụ “tang lễ doanh nghiệp”. Dịch vụ này được triển khai khi các doanh nghiệp tạm đóng cửa hoặc thu hẹp qui mô và họ thuê các chuyên gia tư vấn giúp những nhân viên không may mắn trang bị kỹ năng và kiến thức để chuẩn bị cho những cơ hội mới. Thực sự chỉ những tập đoàn rất lớn và những ông chủ có tâm mới có thể làm được những điều này.

Vài ba năm sau công việc kinh doanh tốt trở lại, doanh nghiệp quay lại thị trường thì những người tốt sẵn sàng trở về và họ cũng dễ dàng thu hút những nhân sự khác nữa. Những hành động này tạo ấn tượng tốt cho thương hiệu tuyển dụng của chính doanh nghiệp.

Trong một bài phỏng vấn với báo chí, chủ tịch MWG chia sẻ “MWG không có người sử dụng lao động và người lao động. MWG chỉ có 1 thủy thủ đoàn 45.000 người cùng ra khơi đánh cá và chia sẻ thành quả. Số đông nhân viên dù ở bất kỳ vị trí nào đều muốn làm thật ăn thật.

Mọi thứ chi ra đều là một khoản phí nhưng có hai khoản chi không phải phí là chi cho nhân viên và khách hàng. Những khoản đó là khoản đầu tư đáng giá của doanh nghiệp, nôm na có thể hiểu là khoản đầu tư cho con đi học, nếu thấy trường khác tốt hơn dù có giá cao chúng ta cũng sẵn sàng cho con chuyển qua. Thế nên cần phải lắng nghe nhân viên để thay đổi kịp thời.

Trên thực tế, sự phát triển như vũ bão của các nền tảng công nghệ và mạng xã hội khiến các doanh nghiệp được tiếp cận trực tiếp đối tượng khách hàng của mình. Nhưng đồng thời, khách hàng cũng có cơ hội được lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ đa dạng từ nhiều doanh nghiệp khác nhau. Ngoài chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt thì điều khách hàng chú trọng là đạo đức và văn hoá của doanh nghiệp. Những điều này đến trực tiếp từ thái độ phục vụ của nhân viên, từ cách cư xử của lãnh đạo công ty đối với nhân viên của mình và cộng đồng xã hội. Câu nói “về chúng tôi” đã thay đổi thành cách nói “về chúng ta”.

Một doanh nghiệp kinh doanh tử tế, không những chỉ mang lại những sản phẩm có giá trị cho xã hội mà còn mang lại cơ hội để đội ngũ lao động được phát huy tối đa năng lực và giá trị của mình. Đó là những giá trị vô giá mà những người chủ doanh nghiệp mang đến cho cuộc đời này.

Leave a comment